Dạy con kỹ năng quản lý tài chính (P1) | Dạy con làm giàu | Dạy con quản lý tài chính | Dạy con| Dạy con tiết kiệm | Game giáo dục cho trẻ

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Dạy con kỹ năng quản lý tài chính (P1)

Malcolm Gladwell, tác giả của những cuốn sách tâm lý học nổi tiếng cho rằng, bạn phải mất ít nhất 10 năm để trở thành một chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào. Vì vấn đề tài chính là vấn đề hàng ngày gắn liền với rất nhiều hoạt động của con người trong suốt cả cuộc đời nên trẻ nhỏ cần được bố mẹ hướng dẫn và dạy dỗ từ những bước cơ bản nhất trong việc quản lý tài chính ngay từ khi chúng nhận thức được. Và những ông bố bà mẹ có của ăn của để cũng nên xem xét và quyết định làm thế nào để trao lại tài sản cho con cháu một cách thích hợp và có hiệu quả nhất. Dưới đây là một số lời khuyên giúp các bậc phụ huynh chỉ dạy cho con cái về vấn đề tiền nong.

dạy con quản lý tai chính
teaching kid about saving money

Tiền và cách tiết kiệm

Dù gia đình bạn khá giả hay có hoàn cảnh khó khăn thì con cái bạn cũng cần phải hiểu được giá trị đồng tiền từ khi chúng còn bé. Có một cách đơn giản thế này, bạn hãy cho con sở hữu một túi đựng tiền riêng, thậm chí từ khi con mới 5 tuổi, và hãy cho tiền hàng tuần để chúng bỏ vào chiếc túi ấy. Tốt nhất là hãy tìm cho con một chiếc túi trong suốt, để trẻ có thể nhìn thấy lượng tiền sẽ tăng lên như thế nào sau mỗi lần thêm vào. Vậy làm thế nào mà trẻ “kiếm” ra tiền? Khi trẻ có kết quả học tập tốt ở trường, khi trẻ được nhận giải thưởng, hay khi chúng làm một việc tốt, bạn nên thưởng cho chúng và khuyến khích chúng bỏ vào túi tiền tiết kiệm. Nếu chúng lớn một chút và tập kinh doanh chẳng hạn như đi buôn bán hoa hay bưu thiếp nhân ngày lễ, thì số tiền lãi cũng sẽ dành dụm bỏ vào trong túi ấy… Và trẻ có thể tiêu tiền tiết kiệm trong túi nhờ sự tư vấn của bố mẹ. Bạn cũng nên cho trẻ tự do tiêu hoang một chút nếu chúng muốn. Đặc biệt, khi tiêu xài quá mức, chúng sẽ biết cách tự đứng dậy sau khi mắc sai lầm và học được các bài học về giá trị của đồng tiền, từ đó giúp chúng biết suy nghĩ làm thế nào để làm đầy chiếc túi hơn nữa.
Khi trẻ trong tầm từ 10 tuổi trở lên, bạn có thể mở tài khoản ngân hàng cho chúng. Khi con tốt nghiệp phổ thông, bạn nên giúp chúng đặt ra mục tiêu mua những món đồ gì là cần thiết. Chẳng hạn, nếu con muốn mua một chiếc máy tính xách tay, bạn hãy giúp con vạch ra kế hoạch cụ thể bằng cách đầu tư, kiếm tiền và tiết kiệm. Trên thực tế có nhiều gia đình phạm sai lầm khi mua cho con tất cả những gì chúng đòi hỏi, vì khi ấy chúng sẽ khó nhận thức được giá trị đồng tiền và sức lao động để làm ra đồng tiền ấy, từ đó tạo thói quen xấu cho trẻ. Vì lý do đó mà có nhiều trường hợp bố mẹ giàu có, nhưng sau này con cái lại không biết cách quản lý và chi tiêu, không biết cách làm cho chúng sinh sôi nảy nở nên tiền cứ không cánh mà bay.

 Bài học cuộc sống

Con cái của những gia đình giàu có được sống trong một môi trường sung túc ăn của ngon vật lạ, mặc quần áo đẹp, và rất ít khi tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng thực tế, chính môi trường giống như trong lồng kính ấy lại không giúp trẻ phát triển tốt nhất, đặc biệt về phương diện quản lý tài chính. Chính vì thế, để trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền, các bậc phụ huynh nên thường xuyên đưa con tới những khu dân cư còn thiếu đói khó khăn, những trại tế bần hay bệnh viện nhi. Được tận mắt chứng kiến sẽ giúp trẻ biết cảm thông với những số phận bất hạnh, và quan trọng là trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền mà chúng vẫn tiêu hàng ngày, và biết sống có trách nhiệm hơn với bản thân mình.

Tóm lại, dù tình hình kinh tế của gia đình bạn ở mức nào đi nữa, thì một điều rất quan trọng là bạn nên hướng dẫn trẻ cách nhìn nhận và quản lý vấn đề tài chính. Khi trẻ đủ lớn bạn nên để chúng tham gia vào những công việc và quyết định liên quan đến vấn đề tài chính của cả gia đình. Đó sẽ là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lại thành công của con trẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét